Thi công Dự án sửa chữa Cầu Thăng Long những ngày tháng 11/2020. |
Trao đổi với PV Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, đại diện Ban Quản lý dự án 3 (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, hiện nay, Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long đã hoàn thành 55% tiến độ; công tác thi công đang được đẩy mạnh tối đa nhằm đảm bảo hoàn thành vượt tiến độ vào cuối tháng 12.
So với những lần đại tu trước đây, lần sửa chữa này được áp dụng công nghệ mới, hiện đại. Theo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), công nghệ sửa mặt cầu Thăng Long đã được áp dụng nhiều trên thế giới nhưng là công nghệ khá mới mẻ tại Việt Nam, hứa hẹn tạo nên bước đột phá lớn trong việc ứng dụng công nghệ mới vào công tác sửa chữa đường bộ của ngành đường bộ.
Chính vì vậy, Bộ GTVT đặt quyết tâm rất lớn trong việc nghiên cứu, thực nghiệm kỹ lưỡng công nghệ mới nhằm thực hiện thành công phương án tối ưu nhất, đồng thời quản lý chặt chẽ quy trình thi công thực tế.
Theo đó, các đơn vị thi công đã hoàn thành hạng mục bóc toàn bộ lớp bê tông nhựa cũ và tiến hành tẩy gỉ, sơn chống gỉ toàn bộ tấm thép mặt cầu. Đáng chú ý, toàn bộ cầu sẽ đóng khoảng 1,5 triệu đinh neo và đan lưới thép nhằm chống xô lệch bê tông; đổ bê tông sau đó hấp nhiệt ở 80 độ C; chà nhám mặt bê tông và tiến hành thảm nhựa;… Các hạng mục liên quan đến hộ lan cũng nằm trong dự án đại tu cầu Thăng Long này.
Liên tục từ khi khởi công vào giữa tháng 8 đến nay, các đơn vị thi công đã triển khai rất tích cực, đặc biệt là nỗ lực đẩy nhanh tiến độ so với kế hoạch ban đầu. Theo ghi nhận của PV vào cuối tuần qua, hàng trăm kỹ sư và công nhân của toàn dự án triển khai thi công liên tục 3 ca mỗi ngày, không ngày nghỉ nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án. Trên công trường, các kỹ sư và công nhân ngày đêm vượt mọi điều kiện khắc nghiệt để giữ vững lời cam kết hoàn thành sớm vào ngày 31/12 và đảm bảo tuyệt đối về chất lượng công trình.
Tiến độ thi công hạng mục gồm: Hoàn thành hàn gần 1,5 triệu đinh neo (đến 12/12); hoàn thành toàn bộ cốt thép với khối lượng 775 tấn (đến 13/12); hoàn thành tháo dỡ, lắp đặt khe co giãn (đến 20/12); đổ bê tông UHPC (đến 14/12); hoàn thành thi công lớp dính bám và thảm bê tông nhựa polyme (đến 25/12).
Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long có tổng mức đầu tư hơn 269 tỷ đồng do Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư. Đây là nguồn kinh phí sự nghiệp chi hoạt động kinh tế đường bộ cho công tác quản lý bảo trì quốc lộ. Đặc biệt, dự án này do đội ngũ chuyên gia, kĩ sư Việt Nam thực hiện hoàn toàn từ khâu thiết kế, ứng dụng công nghệ và thi công.
Cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng được xây dựng từ cuối năm 1974, hoàn thành vào giữa năm 1985. Cầu có 2 tầng gồm: tầng 1 kết hợp đường sắt và đường bộ dành cho xe máy, xe thô sơ; tầng 2 là đường ô tô. Sau hàng chục năm vận hành, phần tầng 2 xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là khoảng hơn 10 năm nay. Từ năm 2009, tầng 2 cầu Thăng Long được sửa chữa nhiều lần nhưng không hiệu quả.
Dưới đây là những hình ảnh ghi nhận công tác sửa chữa cầu Thăng Long đang tiến hành:
Đến nay, hạng mục bóc toàn bộ lớp bê tông nhựa cũ và tẩy gỉ, sơn chống gỉ toàn bộ tấm thép mặt cầu đã được hoàn thành. |
Công nghệ mới bao gồm hạng mục hàn 1,5 triệu đinh neo lên tấm thép mặt cầu, sau đó đan lưới thép trước khi đổ bê tông. Công nghệ này tuy đã được áp dụng nhiều trên thế giới nhưng đây vẫn là công nghệ khá mới mẻ tại Việt Nam |
Đây là giải pháp chống xô lệch bê tông, hứa hẹn giải quyết dứt điểm tình trạng mặt cầu dễ bị nứt, vỡ,… |
Hàng trăm kỹ sư, công nhân ngày đêm thi công đóng đinh neo, đan lưới thép trước khi đổ bê tông. Hạng mục hàn đinh neo sẽ được hoàn tất dự kiến vào 12/12. |
Hệ thống nhà mái che di động được lắp đặt trên ray trượt, có thể di chuyển từng đoạn nhằm phục vụ quá trình đổ bê tông. |
Hệ thống trạm bê tông UHPC. Đây là hệ thống trạm trộn siêu tính năng được đầu tư mới hoàn toàn. |
Hệ thống hấp nhiệt bề mặt bê tông ở 80 độ C. |
Xe chở bê tông nhận bê tông tại tầng 1 của trạm trộn siêu tính năng. |
Máy thảm bê tông UHPC mác cao công nghệ tiên tiến được nhà thầu nhập từ nước ngoài có độ rung nén lớn. |
Quá trình đưa bê tông vào hệ thống máy thảm. |
Quá trình tinh chỉnh bề mặt sau khi thảm bê tông. |
Quá trình bao kín bề mặt nhằm duy trì độ ẩm ổn định khi đông cứng |
Đến nay đã đổ bê tông UHPC 18/36 ô; tổng chiều dài khoảng 1.700/3.200m, tổng diện tích khoảng 14.000m2/27.799m2 |
Bề mặt bê tông sẽ được tạo nhám, thi công lớp keo dính bám, thảm BTN Polyme. |